TIN TỨC
THỜI CỦA THẾ HỆ SELFIE
- 12/01/2018
- Posted by:daotaonganhan
- Category:Cuộc sống
Thế hệ trẻ hiện nay đang ra sao? Có những sự khác biệt gì so với các thế hệ trước đó? Có thể miêu tả những người trẻ bằng những cụm từ chung nào? Những than phiền của người lớn về “tụi nhỏ” có thực sự chính xác không? Điều gì lý giải những mâu thuẫn thế hệ hiện tại?
Phần lớn của những người được gọi là “giới trẻ” ngày nay thuộc vào một thế hệ mà phương Tây gọi là “millennials” – thế hệ thiên niên kỷ, tập hợp những người sinh ra trong khoảng từ năm 1980 đến 2000 theo các nhà nghiên cứu Mỹ, (đôi khi là 1982 – 1999 hoặc xê dịch tương đối tùy cách xác định) (1). Chắc đối với Việt Nam thì con số này sẽ chậm hơn một tí, nếu đối chiếu những sự kiện về lịch sử và xã hội. Thế hệ này còn được gọi là thế hệ Y, thế hệ Tôi Tôi Tôi (Me Me Me Generation), hay thế hệ Peter Pan (ý chỉ thế hệ không chịu lớn), hay với từ mình thường gọi, là thế hệ Selfie.(3)
Dự kiến, đến năm 2020, hơn 70% lực lượng lao động trên thế giới sẽ là thế hệ millennials. Đã có không ít nghiên cứu, thảo luận và tranh cãi xung quanh thế hệ millennials tại các quốc gia phát triển. Sau đây là một số đặc điểm thường được nhắc đến về thế hệ millennials ở Mỹ, cùng với một vài quan sát của mình tại Việt Nam. Hãy xem thử chúng có áp dụng với bạn không nhé.
1/ Khả năng nắm bắt, học hỏi và thích nghi nhanh
Là một thế hệ sinh ra và lớn lên với những tiến bộ vượt bậc về công nghệ, và với xã hội thay đổi ngày càng nhanh và tốc độ sống ngày càng tăng lên, thế hệ millennials có khả năng nắm bắt và hòa nhập với những điều mới rất nhanh chóng. Họ cũng dễ dàng chấp nhận sự khác biệt, cởi mở hơn với những điều được cho là cấm kỵ với các thế hệ trước, như sex trước khi kết hôn, hôn nhân đồng tính hay những vấn đề về tôn giáo và sắc tộc.(5)
2/ Cái tôi cao
Người trẻ hiện nay ngày càng dễ dàng hơn trong việc thể hiện cái tôi. Ở Mỹ, thế hệ Millennials lớn lên với sự tôn trọng quyền riêng tư và ý thích cá nhân, với niềm tin được cha mẹ và thầy cô truyền đạt rằng: “You’re unique, you’re special” (4). Thể hiện cái tôi cao, cá tính mạnh mẽ hay ngoại hình khác biệt là điều được nhiều người trẻ ngưỡng mộ và xem trọng. Sự nở rộ của mạng xã hội, trào lưu theo đuổi các giá trị vật chất, hay các phong trào sống ảo càng tạo điều kiện để người ta thể hiện quan điểm, khoe khoang show off hay xây dựng hình tượng bản thân mình. Chỉ cần một số kỹ thuật câu like, chụp hình sống ảo hay vẻ ngoài bắt mắt là bạn đã có thể trở thành một mini celeb trên mạng xã hội.
Sự tự tin vào khả năng của bản thân và cái tôi cao cũng nảy sinh thêm một số đặc điểm khác như nhạy cảm hơn với lời khen và chỉ trích, tính ích kỷ chỉ biết bản thân mình, hay thậm chí là bệnh ái kỷ, yêu bản thân mình quá mức (3). Đó là lý do mà tại Mỹ thế hệ trẻ đôi khi còn được gọi là “Snowflake generation” – một thế hệ mỏng manh như bông tuyết, dễ bị thương tổn và đụng chạm tự ái.
3/ Thiếu kiên trì và nghị lực kém
Với sự chăm sóc quá mức từ phụ huynh, sự phát triển của công nghệ và sự thừa mứa của vật chất, thế hệ trẻ đã quá quen với việc có được những gì mình muốn. Khi đối mặt với những khó khăn trong thế giới thực từ học tập, công việc hay cuộc sống, họ có khuynh hướng nôn nóng mong muốn có được thành quả sớm, thiếu kiên nhẫn, dễ bỏ cuộc. Do vậy, khả năng chịu đựng và đối diện với nghịch cảnh cũng kém hơn các thế hệ trước. Một doanh nhân người Mỹ từng kể rằng một nhân viên trẻ nói với anh rằng cậu ta muốn nghỉ việc, vì thấy mình không tiến bộ nhiều và “not making a difference”, anh trả lời: “nhưng cậu chỉ mới làm ở đây được tám tháng, vẫn chỉ trong thời gian học việc, cậu trông chờ mình tạo được đột phá gì chứ” (4). Mình cũng nhớ sau mỗi dịp khai trường vẫn có những bạn nhỏ nhắn tin cho mình rằng: “Chị ơi, em đã đi học ở đây được hai tuần rồi, em thấy mình hoàn toàn không thể hòa nhập được với môi trường ở đây, em cũng không hề thích ngành mà em đang học. Em đang có dự định nghỉ học để gap year hoặc thi lại một ngành khác” (!!?).
Internet cũng đóng một phần trong vấn đề này. Một số nghiên cứu cho thấy rằng việc sử dụng internet và quen với việc các thông tin được đưa ra chỉ sau một phần triệu giây khiến người ta thiếu kiên nhẫn hơn, và khả năng tập trung chú ý cũng giảm đi.
4/ Trì hoãn các lựa chọn
Sự phát triển của công nghệ và internet, của các hoạt động kinh tế, hình thức kinh doanh, giáo dục và chủ nghĩa tiêu dùng khiến người trẻ ngày càng có nhiều lựa chọn hơn, từ lựa chọn học tập đến nghề nghiệp, bạn đời. Nếu ngày xưa muốn học về một ngành nào đó như công nghệ thông tin, chỉ có một số trường dạy, một số giáo trình nhất định. Còn ngày nay thì ngược lại, như một người bạn của mình từng minh họa rằng, nếu muốn học lập trình, thì có tới hàng chục ngôn ngữ khác nhau để học, có hàng trăm cuốn sách về mỗi ngôn ngữ khác nhau, có hàng trăm khóa học trên mạng và dưới mạng để lựa chọn, mỗi công đoạn lại có quá nhiều biến số, nên đến khi đi qua hết các lựa chọn và bắt tay vào học thì đã trở nên kiệt sức. Chuyện hẹn hò cũng vậy, nếu như xưa kia ông bà ta chỉ cần lựa chọn giữa một cơ số nhất định các cô gái chàng trai cùng làng cùng xã, thì ngày nay với những mạng xã hội chuyên về hẹn hò, chỉ cần lên mạng và “swipe left, swipe right” là có hàng trăm cơ hội hẹn hò khác nhau.
Có lẽ vì bối rối trước nhiều lựa chọn khác nhau nên có không ít người trẻ trì hoãn sự lựa chọn về học hành và nghề nghiệp bằng các hình thức như gap year, làm các công việc tạm thời kiểu “underemployed” hoặc quyết định “go unemployed” cho đến khi tìm được công việc thích hợp. Xu hướng kết hôn và sinh con muộn, hoặc quyết định không kết hôn cũng phổ biến hơn trước.(5) Số lần nghỉ việc và chia tay cũng tăng lên. Có nhiều lựa chọn, nên người trẻ dễ dẫn đến quan điểm: “không thích thì nghỉ, không hợp thì chia tay”. Điều đó dẫn tới một hệ quả khác là việc không chịu trách nhiệm cho hành động của mình.
Ở Mỹ, nhiều người trong thế hệ millennials vẫn ở với cha mẹ, hoặc chuyển về sống với cha mẹ để tiết kiệm chi phí sau khi ra trường đi làm. Họ trì hoãn quá trình trở thành người lớn và muốn sống trong sự bảo bọc của cha mẹ, nên được gọi là một thế hệ không chịu lớn.
5/ Kỳ vọng cao về công việc
Đối với người trẻ ngày nay, công việc không chỉ là điều phải làm để kiếm sống mưu sinh, mà phải hơn thế nữa. Sếp không chỉ là người quản lý, mà còn nên là người coach/mentor hướng dẫn nhân viên trong công việc và cuộc sống. Đồng nghiệp không chỉ là người làm chung mà còn cần chia sẻ chung các giá trị sống và cùng nhau học hỏi để phát triển. Thế hệ millennials mong muốn một mối quan hệ sâu sắc và chặt chẽ với cấp trên và đồng nghiệp của mình. Họ cũng mong muốn nhận được phản hồi nhanh chóng với kết quả công việc của mình, và có thêm sự tự do và tự chủ trong công việc.(2)
Một số công ty ở Mỹ đã nắm bắt rất nhanh xu hướng này và cung cấp các chương trình mentorship, coaching cho nhân viên, thay thế chế độ annual review với các ứng dụng tương tác phản hồi nhanh chóng, và cho nhân viên làm việc với thời gian linh động.(2)
Thế hệ trẻ ở Mỹ cũng hay bị gán với từ “entitled” – mong muốn có địa vị chức vụ cao, muốn được cấp huy chương hay giải thưởng (không phải là muốn địa vị chức vụ mà là tự cho rằng bản thân mình nghiễm nhiên xứng đáng được hưởng thứ gì đó mà không phải làm việc nhiều, cảm ơn bạn Oanh Phạm đã góp ý). Nhiều chương trình cấp giấy chứng nhận cho người tham dự không phải vì họ đạt được thành tích hay có đóng góp gì mà chỉ vì đơn giản là có mặt ở đó.(4) Những học sinh giỏi được giấy khen nhưng những học sinh khác cũng được nhắc đến vì giáo viên không muốn chúng có cảm giác thua kém hay bị bỏ rơi.
Ở Việt Nam, một số sinh viên cũng tham gia các dự án, chương trình từ thiện chỉ để nhận được giấy chứng nhận, và sự coi trọng chức vụ có thể được minh họa bằng một loạt các chức danh “manager” trong các phòng ban liên quan tới quan hệ khách hàng.
6/ Không gắn bó với môi trường công sở
Thế hệ millennials không quá quan trọng chuyện công việc, vì họ có nhiều lựa chọn về công việc hơn. Mặc khác, họ cũng đánh giá cao trải nghiệm khác và mong muốn có một sự cân bằng tốt hơn trong công việc và cuộc sống, nên họ không coi công việc là tất cả. Do vậy, họ không gắn bó quá nhiều với môi trường công sở và các hoạt động của doanh nghiệp như trước.(8)
Họ cũng không tuân thủ cấp trên theo kiểu bảo gì nghe nấy như thế hệ trước. Họ hỏi “why” và muốn biết những việc họ đang làm để làm gì, tại sao họ phải làm những điều đó và chúng có ích lợi gì cho tổ chức và cho sự phát triển của họ. Những công ty chỉ đơn thuần tập trung vào việc tối đa hóa lợi nhuận, hay chỉ đưa ra mức lương thưởng cao sẽ không còn hấp dẫn người lao động trẻ như trước.
Xu hướng không gắn bó với môi trường doanh nghiệp cũng được thể hiện qua trào lưu self – employ hay freelance trong giới trẻ. Một công việc có tính linh hoạt cao, cung cấp cơ hội học hỏi và trau dồi kỹ năng ở nhiều mặt khác nhau, có môi trường làm việc thay đổi, và nếu được, thì vừa du lịch vừa làm việc, ngày càng đang được yêu thích bởi nhiều người trẻ.
7/ Mong muốn làm việc có ý nghĩa
Một xu hướng khác trong những người trẻ ở Mỹ là mong muốn được làm những việc có ích, đóng góp cho cộng đồng và xã hội(6). Chưa bao giờ các dự án, hoạt động cộng đồng lại phát triển phong phú và đa dạng như thế. Người trẻ ngày càng có ý thức về vai trò của mình, và mong muốn tìm kiếm những tập thể phù hợp để đóng góp, để cống hiến sức mình cho các công việc xã hội và các hoạt động nhằm phát triển cộng đồng.
Thế hệ millennials nhận thức được rõ hơn những vấn đề xã hội và môi trường mà họ đang đối diện, và muốn hành động để thay đổi những vấn đề đó. Họ coi trọng những trải nghiệm nhận được và một số người sẵn sàng làm việc không lương hoặc với mức lương thấp để cống hiến cho những lý tưởng mà họ tin tưởng. Tiền bạc và vật chất không phải là tất cả với những người trẻ này.
Điển hình ở Việt Nam là sự gia tăng trong mức độ quan tâm của giới trẻ đối với các vấn đề giáo dục, nông nghiệp và môi trường.
8/ Ít quan tâm đến tôn giáo nhưng hứng thú với hoạt động tinh thần
Một số thông kê cho thấy millennials ở Mỹ là thế hệ có nhiều người không theo một tôn giáo nào nhất. Tuy vậy, các hoạt động về tinh thần lại phát triển(7). Các hình thức tu tập về tinh thần hay tâm linh như yoga, thiền, mindfulness, các không gian công cộng và loại hình nghệ thuật giúp ích cho tinh thần ngày càng phát triển..
Ở Việt Nam gần đây cũng vậy, có rất nhiều hoạt động về tinh thần và tâm linh được thành lập bởi người trẻ và cho người trẻ. Các cộng đồng phát triển sức khỏe, những hoạt động về yoga, thiền định, các nông trại cổ vũ lối sống xanh, gần gũi với thiên nhiên, những chương trình nghệ thuật như vẽ thư giãn, múa tự do, viết sáng tạo, kịch ứng tác hay những khóa học về văn hóa và lịch sử cũng ngày càng nhận được sự hưởng ứng của các bạn trẻ.
Nguồn: Rosie Nguyen