Có thời gian để thức khuya, nhưng lại không đủ thời gian để ngủ, đây chính là khoảng cách lớn nhất giữa “chúng ta” và “thành công”
- 16/05/2019
- Posted by:daotaonganhan
- Category:Kỹ năng sống
Chính những sự ngược đời trái khoáy này chính là lý do đẩy khoảng cách tới thành công của chúng ta ngày một xa và khó hơn.
Trong cuộc đua, xuất phát sau cũng không đáng sợ, đáng sợ nhất chính là chạy mà không có động lực, không có đích đến, không có phương hướng. Trên đường đời, rất nhiều người đang ở độ tuổi 20 – 30 đầy nhiệt huyết và tiềm năng phát triển nhưng không có một chút hi vọng tiến tới nào cả. Thành công cũng ngày càng cách xa chúng ta chính vì 3 loại biểu hiện “ngược đời” sau đây:
01. Có tiền để thỏa mãn nhu cầu ăn uống, nhưng không có tiền để đầu tư vào bản thân
Nếu bạn muốn làm giàu, trước hết phải làm giàu chính mình. Phải hiểu giá trị của con người bạn bao nhiêu thì mới biết bạn có thể kiếm ra chừng nào. Mà giá trị này không trực tiếp liên quan đến mức độ khó khăn của công việc. Có người chỉ đứng một chỗ, chụp vài bức ảnh quảng cáo trong mấy phút đã kiếm số tiền bằng thu nhập của người lao động tay chân đầu tắt mặt tối cày cấy cả đời cộng lại. Chúng ta cảm thấy bất công khi so sánh, nhưng thực tế lại rất công bằng. Điều khác biệt lớn nhất giữa hai người chính là giá trị. Giá trị một nụ cười, vài câu nói của ngôi sao có thể đem tới số lượng đơn đặt hàng khổng lồ cho các nhãn hàng, tương đương với nguồn lợi nhuận to lớn và ổn định. Do đó, giá trị của một người sẽ là nhân tố quan trọng để quyết định người ta được hưởng loại cuộc sống nào.
Với một số người, dù lỡ sa cơ lỡ vận, dù rơi vào cảnh thất thế thua thiệt, bản thân họ và những người xung quanh vẫn có thể vững lòng tin vào một ngày vực lại tất cả, kiên trì gây dựng mọi thứ từ đầu. Tất cả là vì họ tin vào khả năng tiềm ẩn của người đó. Mà khả năng là cách duy nhất để thay đổi giá trị của con người. Chính vì thế, cải thiện khả năng, đầu tư vào chính mình là điều bắt buộc nếu muốn bước tới thành công.
Nhưng thực tế là nhiều người trong số chúng ta có thể thoải mái chi rất nhiều tiền để phục vụ nhu cầu ăn uống, vui chơi, vô vàn sở thích trên đời… Nhưng họ lại không có tiền để đầu tư vào bản thân, không có tiền mua sách, không có tiền đăng ký một khóa đào tạo… Đây chính là một “hố đen tử thần” của hầu hết thế hệ trẻ ngày nay, khiến con đường dẫn tới thành công ngày càng xa xôi và hiểm trở hơn.Trên thế giới, chỉ có người nhận ra tầm quan trọng của việc đầu tư vào bản thân, đưa nó vào hành động thiết thực, mới thấu hiểu sự khác biệt giữa tinh hoa và tầm thường.
02. Có thời gian thức khuya, nhưng không có đủ thời gian để ngủ
Thức khuya dần trở thành một thói quen thường thấy ở hầu hết người trẻ. Mỗi khi nhìn thấy những tin tức tiêu cực về hệ lụy sức khỏe, chúng ta có thể bất an, lo lắng nhưng vì “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”, những cảm xúc ấy lại nhanh chóng biến mất, đâu lại vào đó mà chúng ta chẳng thay đổi gì.
Chỉ có thực sự trải nghiệm, chúng ta mới thật sự để ý. Nếu không ngủ sớm, mỗi sáng đều phải đấu tranh để thức dậy trong uể oải, cả ngày chẳng có tinh thần, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. Đôi khi, thiếu ngủ dẫn đến đầu óc chưa tỉnh táo còn gây ra sai lầm không đáng có. Nhiều sai lầm nhỏ sẽ dẫn đến hậu quả lớn. Nhiều hậu quả lớn có thể giết chết tương lai của chính mình. Mà thói quen xấu này cũng cho thấy một vấn đề đó là chúng ta đang sống thiếu kỷ luật như thế nào.
Truy đến căn nguyên sự việc, chúng ta thức khuya để làm gì? Một số sẽ thức vì lý do công việc, nhưng đa số đều vì sinh hoạt cá nhân, để có thêm thời gian ăn uống, vui chơi, và tiệc tùng. Họ lãng phí thời gian ngủ mà không biết rằng, nếu không thể kết thúc một ngày thật tốt thì bạn sẽ không bao giờ có thể bắt đầu một ngày mới thật tốt. Vòng lẩn quẩn này cứ tiếp diễn nếu bạn không thực sự thay đổi chính mình, dẫn tới cả cuộc đời đều không tốt. Mỗi chúng ta đều có điều kiện để thay đổi, nhưng có làm hay không là phụ thuộc vào chính mình.
03. Có rất nhiều ý tưởng, nhưng không có hành động
Chúng ta hay đặt ra rất nhiều kế hoạch cho cuộc sống, ngập tràn những ý tưởng táo bạo, đầy bứt phá trong đầu. Nhưng kế hoạch mãi mãi chỉ là kế hoạch nếu không được tiến hành, không tiến tới kết quả và mãi mãi bỏ lỡ cơ hội. Nghĩ mà không làm chính là sự khởi đầu cho quá trình trì trệ. Tác hại của nó giống như hút thuốc lá vậy, hút một điếu không thể khiến chúng ta rơi vào nguy hiểm nhưng nếu kéo dài như vậy, “góp gió thành bão”, chúng ta sẽ phải đối mặt với đủ loại bệnh về phổi là lẽ đương nhiên. Tương tự như vậy, chỉ nghĩ mà không làm nhiều lần đến mức thành thói quen thì thất bại là điều tất yếu.
Trên con đường dẫn tới thành công, chúng ta phải không ngừng tiến tới thì mới có thể gặp gỡ kỳ ngộ, nắm bắt được cơ hội. Hôm nay bạn phải bước nhiều hơn nửa bước so với người khác, mai sau bạn sẽ có thể tới đích sớm hơn người khác nửa bước. Đó cũng chính là nửa bước quan trọng giúp bạn đánh bại rất nhiều người còn đang mãi chần chừ, do dự và giậm chân tại chỗ.
Theo Phương Thúy
Trí Thức Trẻ