TIN TỨC
TS Việt tại Mỹ chỉ rõ sự thật về thực phẩm chức năng chữa ung thư đang được quảng cáo rầm rộ ở VN
- 03/06/2019
- Posted by:daotaonganhan
- Category:Sức khỏe
Trước khi bỏ tiền mua bất cứ sản phẩm thực phẩm chức năng nào, người bệnh ung thư cần biết rõ đó không phải là thần dược, không phải là thứ có thể diệt được tế bào ung thư.
Choáng với ma trận thực phẩm chức năng
Bố bị ung thư phổi, chị Hoàng Thị Hà (31 tuổi, Hà Nội) chia sẻ chị tìm kiếm một số thuốc và thực phẩm chức năng giúp cải thiện miễn dịch cho bệnh nhân ung thư. Tuy nhiên, khi chị Hà thử tìm hiểu mới thấy ma trận thực phẩm dành cho bệnh nhân ung thư nhiều như thế nào.
Chỉ mất 5 – 6 giây chị có thể tìm được hơn 100 triệu kết quả về các loại thực phẩm chức năng dành cho bệnh nhân ung thư.
Ví dụ, như sản phẩm thực phẩm chức năng chiết xuất từ mãng cầu xiêm Graviola được quảng cáo là sản phẩm trị ung thư có tác dụng gấp hàng chục lần các hóa chất trị bệnh.
Hay sản phẩm Fucoiden được quảng cáo rất rầm rộ trên mạng với hàng chục chức năng khác nhau trong đó có tác dụng trị ung thư. Sản phẩm này được coi như thần dược phòng và hỗ trợ điều trị ung thư được y học hiện đại công nhận. Hoặc không khó để mua Fucoidan xách tay từ Mỹ, Nhật với đủ loại giá.
Chị Hà như bị rơi vào trong ma trận mà không hiểu được sản phẩm nào tốt, sản phẩm nào không an toàn.
Ngay trong cộng đồng những người đang điều trị ung thư họ cũng chia sẻ đủ các loại thực phẩm chức năng.
Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng Khoa Ung bướu Bệnh viện quận Thủ Đức TP.HCM chia sẻ ông gặp nhiều trường hợp đang điều trị thì bỏ bệnh viện về nhà mua thực phẩm chức năng uống.
Gần đây, tại khoa có trường hợp bệnh nhân bị ung thư phổi đang theo phác đồ điều trị ung thư đột nhiên không điều trị nữa, chuyển hẳn sang uống Fucoidan. Một thời gian sau, bệnh tình không tiến triển, ông quay lại bệnh viện và lúc này ung thư phổi đã di căn lên não, một thời gian ngắn sau thì mất.
Rất nhiều bệnh nhân khi đang điều trị nghe quảng cáo những thực phẩm chức năng chiết xuất từ mãng cầu xiêm, Fucoiden, lá đu đủ… bỏ viện về nhà uống và khi vào viện chỉ còn sự nối tiếc vì đã qua giai đoạn vàng điều trị bệnh.
Chưa có sản phẩm nào được công nhận
Theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ – Viện Nghiên cứu ung thư quốc gia, California, Mỹ hiện nay không có loại thực phẩm chức năng nào được công nhận điều trị ung thư.
TS Vũ cho biết, để công nhận một loại thuốc hay thực phẩm chức năng có tác dụng trị bệnh là cả quá trình dài. Mỗi năm trên thế giới họ tìm được cả nghìn chất có thể ứng dụng điều trị thuốc trong đó có ung thư.
Đầu tiên, họ sử dụng nuôi cấy tế bào trong thí nghiệm cho tác động trực tiếp trong tế bào ung thư xem tế bào có chết không. Nếu tế bào chết họ xem quy trình như thế nào, nồng độ thuốc nếu khả quan sẽ nghiên cứu trên động vật, tạo ra mô hình nghiên cứu trên động vật và đánh giá tác dụng.
Khi đưa thuốc trực tiếp vào tế bào dễ dàng hơn rất nhiều so với đưa vào mô hình động vật lại cấp độ khác. Không thể đưa chất đó quá cao vì có thể gây ngộ độc cho con vật. Các kết quả trên động vật khả quan thì người ta mới đi sang các bước trên người.
Trên người có nhiều giai đoạn 1, 2, 3, 4 mỗi giai đoạn mất nhiều năm. Những giai đoạn đầu có số lượng bệnh nhân hạn chế vì họ xem tác động của thuốc này như thế nào, có hiệu quả bằng giai đoạn tiền lâm sàng hay không. Nếu không quy trình nghiên cứu sẽ dừng lại. Trường hợp tiến triển phát triển xa hơn, có thể hình thành thuốc sau 5 – 10 năm.
Đối với các thực phẩm chức năng Fucoiden, đông trùng hạ thảo những chất này được lấy từ tự nhiên. Các nhà nghiên cứu lấy kết quả điều trị ung thư trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, kết quả trên động vật, trên lâm sàng họ vẫn chưa thể nào đi xa hơn được nữa.
Thực phẩm chức năng hiện nay vẫn dừng ở mức độ chưa phải là thuốc. TS Vũ cho rằng việc người bán hàng dựa vào nghiên cứu tiền lâm sàng, trên tế bào trong thí nghiệm, từ động vật nhỏ đã nói điều trị được trên người là quảng cáo thái quá, ảnh hưởng tới người bệnh. Người bệnh nên lựa chọn phương thức cho mình.
Người bệnh bị ung thư nghe hóa trị, xạ trị họ sợ vì rụng tóc, cháy ven, yếu nên khi người bán thực phẩm chức năng bán trên mạng xã hội quảng cáo trên mây thì người bệnh nghe tưởng thật. Những lời quảng cáo đó nguy hiểm, người bệnh chấp nhận uống thực phẩm đó thì cũng là cách họ từ chối việc điều trị bệnh.
Theo Ngọc Anh – Tri Thức Trẻ