TIN TỨC
Sợ độ cao mà phải làm việc trên cao thì làm sao?
- 15/04/2017
- Posted by:daotaonganhan
- Category:Tin tức
Ngày 15/4/2017 tại Không gian mở khu E khoa Cơ khí chế tạo máy Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đã diễn ra buổi hội thảo “An toàn lao động trên cao và cứu hộ ngã cao” do Khoa Cơ khí Chế tạo máy, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng kỹ thuật xây dựng CERA, Trung tâm Đào tạo ngắn hạn tổ chức với sự tài trợ của Công ty TNHH TMDV M&A Việt Nam.
Đến tham gia buổi chia sẻ, có sự tham gia của:
- Thầy Trịnh Chấn Xương – Người có 37 năm kinh nghiệm làm việc về an toàn lao động
- Ông Nguyễn Sỹ Khang – Phó ban an toàn của Công ty Kashima (Nhật Bản)
- Ông Nguyễn Quốc Văn – Giám đốc an toàn tại Vivablast Việt Nam
Trong buổi hội thảo, Thầy Trịnh Chấn Xương đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm về rủi ro khi làm việc trên cao, những lưu ý về sức khỏe khi làm việc trên cao, những tai nạn thường xảy ra và cách trang bị kiến thức an toàn lao động, … những kinh nghiệm này là kinh nghiệm được đúc kết từ 37 năm làm việc tại rất nhiều công ty, nhà máy của Thầy. Thầy chia sẻ: “Để có những kinh nghiệm này, tôi đã đánh đổi rất nhiều, suýt đánh đổi bằng một chân”.
“Nếu là người sợ độ cao nhưng tim mạch, huyết áp tốt, mà được giao nhiệm vụ làm việc trên cao thì làm thế nào để giữ tâm lý tốt khi làm việc?” đó là một câu hỏi hay từ một bạn tham gia chương trình.
Với kinh nghiệm của mình, Thầy Xương đã đưa ra nhiều cách để khắc phụ khuyết điểm sợ độ cao, Thầy còn nhấn mạnh, việc sợ độ cao thì phải khắc phục bằng thói quen, phải luyện tập, nhưng để giữ tâm lý tốt nhất thì chỉ có cách trang bị an toàn tốt nhất, tuân thủ tất cả những nguyên tắc an toàn lao động trên cao và làm việc đúng quy định.
Trong buổi hội thảo, các bạn sinh viên còn được chia sẻ bí quyết an toàn khi lắp đặt nhà thép của Anh Sỹ Khang – Phó ban an toàn của Công ty KaShiMa (Nhật Bản). Trong khi làm việc cần chú ý bên trên, bên dưới, bên trong và xung quanh, cách lắp kèo thép và những tai nạn có thể xảy ra khi thi công lắp kèo thép.
Cuối cùng, Anh Nguyễn Quốc Văn – Giám đốc an toàn tại Vivablast Việt Nam đã chia sẻ về các phương tiện bảo vệ cá nhân như nón bảo hộ, dây đai toàn thân, dây cứu sinh, thiết bị bắt rơi,… Người tham gia được nhìn thấy và được hướng dẫn cách sử dụng từ thiết bị thật.
Đến với nón bảo hộ, người tham gia được biết thêm về hình thức và tiêu chuẩn của nón bảo hộ. Không phải nón bảo hộ nào cũng được thiết kế quai cài qua cằm, nón có nhiều tiêu chuẩn khác nhau, nón theo tiêu chuẩn Châu Âu thường thiết kế không có quai cài qua cằm nhưng vẫn giữ chặt khi cúi xuống.
Võ Hoàng Thủy Tiên