Câu trả lời thông minh của “chàng” lễ tân làm hội trường náo nhiệt và khiến nữ MC bối rối.
“Tôi chưa có người yêu vì đã lỡ yêu bạn mất rồi”
Sau hơn 1,5 năm mày mò và chế tạo, nhóm sinh viên năm cuối thuộc Khoa Cơ khí Chế tạo máy của trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đã chế tạo thành công chú robot thông minh có thể hướng dẫn và cung cấp thông tin cho khách hàng như một lễ tân đích thực.
Trải qua vô số thất bại và đã từng nghĩ đến chuyện bỏ cuộc, 3 chàng sinh viên trẻ Đoàn Duy Luân, Phạm Thanh Tuấn và Phạm Hồng Hà vẫn kiên trì theo đuổi và hoàn thành xuất sắc đề tài nghiên cứu.
Nhờ việc áp dụng công nghệ nhận diện giọng nói của Google, chú robot có thể đối đáp, trả lời câu hỏi và đưa ra các thông tin chỉ dẫn cho người đối diện.
Ngoài ra ở lần gặp tiếp theo, khách hàng hẳn sẽ bất ngờ khi thấy Skybot chào mình bằng tên thật; “anh chàng” này có thể nhớ mặt và thông tin của những người đã từng tiếp xúc trước đó.
Tại cuộc thi sáng tạo robot Việt Nam – Robocon 2017, “Linh thấy ngày hôm nay bạn mặc một bộ vét rất là bảnh, bạn rất đẹp trai đấy”, MC Phí Linh của VTV nói chuyện với SkyBot và ngay lập tức, chàng robot vui nhộn đối đáp: “A hi hi, ngại quá”.
Tiếp đó, MC Phí Linh hỏi rằng liệu robot đã có người yêu chưa và nhận được câu trả lời từ SkyBot: “Tôi chưa có người yêu vì đã lỡ yêu bạn mất rồi”. Câu trả lời thông minh của “chàng” lễ tân làm hội trường náo nhiệt và khiến nữ MC bối rối.
Để thuận tiện hơn cho quá trình sử dụng, SkyBot được gắn hệ thống di chuyển có thể tự do đi lại trên các khu vực có bề mặt phẳng; ngoài ra, với việc tích hợp nhiều phần mềm hỗ trợ như trình duyệt Chrome, Skype… người dùng còn có thể tra cứu thông tin hay liên lạc với người khác trực tiếp trên robot, Đoàn Duy Luân – trưởng nhóm tác giả, cho biết.
Khi người dùng nói chuyện với robot, âm thanh được ghi lại và truyền đến trung tâm xử lý; sau đó hệ thống sẽ phân tích ý nghĩa của câu hỏi và truyền ngược trở lại câu trả lời. Robot lúc này sẽ hồi đáp người hỏi bằng 2 hình thức chữ viết trên màn hình và giọng nói, Hà giải thích.
Hà nói thêm, hiện tại SkyBot có thể hoạt động liên tục trong vòng 3 tiếng ở chế độ bình thường hoặc 4 đến 5 tiếng ở chế độ tiết kiệm pin. Trong thời gian tới, nhóm tác giả có thể sẽ nghiên cứu một nguồn năng lượng khác thay vì bình ắc quy đang dùng hiện tại.
Tháo ra và sử dụng lại
Vì là sinh viên nên các thành viên không đủ kinh phí để trang bị cho robot những linh kiện tốt nhất. Để tiết kiệm chi phí, những thiết bị cũ làm trong các sản phẩm trước đó cũng bị tháo ra và sử dụng lại, Tuấn chia sẻ.
“Ngoài SkyBot, bọn mình cũng chế tạo một sản phẩm khác từng giành giải 3 ở cuộc thi “Dancing Robot Quốc tế” năm 2016; tuy nhiên, các linh kiện kỹ thuật của chú robot kia đã bị tháo rời và đang nằm trong một sản phẩm khác”, Tuấn nói thêm.
Đã từng muốn bỏ cuộc
Khi được hỏi về phần khó nhất của quá trình nghiên cứu trên, nhóm nghiên cứu cười và nói rằng phần nào cũng khó. Vì chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này nên 3 tác giả đã phải tự mày mò và “chiến đấu”ở tất cả công đoạn.
“Bọn mình phải mất khoảng 6 tháng để tạo ra một khung máy hoàn chỉnh; vì tất cả công đoạn đều được làm bằng tay cho nên có nhiều phần bị sai sót tỉ lệ và không ghép được với những bộ phận khác. Ngoài ra, đôi khi robot còn bị trục trặc kỹ thuật khi chạy thử mà tụi mình không phát hiện được nguyên nhân nằm ở đâu; những lúc như thế cả đội lại phải dành rất nhiều thời gian để rà soát lại từ trên xuống dưới”, nhóm nghiên cứu chia sẻ.
“Nhiều lúc gặp khó khăn quá, bọn mình cũng từng nghĩ đến chuyện từ bỏ và đổi sang đề tài khác; nhưng tiếc cho công sức đã bỏ ra, cả nhóm lại tiếp tục”, Hà nói.
Khi được hỏi lại về quá trình chế tạo, Luân nói rằng cả quá trình được chia thành 5 bước. Đầu tiên cả nhóm phác thảo hình dạng của SkyBot bằng cách tra cứu các thông tin trên mạng và từ các nghiên cứu khác của khoa.
Thứ 2 là quá trình chọn và lùng tìm thiết bị, “chú robot này khởi động khá chậm vì tụi mình khó mà tìm được thiết bị tốt hơn cho nó”, tác giả nói thêm. Bước thứ 3 và 4 là xác định cách chế tạo và tạo khung xương cơ khí cho thiết bị.
Bước thứ 5 là lập trình, mặc dù có sử dụng một số “nguồn mở” để công việc được tiến hành nhanh hơn, nhưng ở phần lớn công đoạn tụi mình vẫn phải tự tay thực hiện. “Nhóm sử dụng ngôn ngữ C để lập trình cho SkyBot”, Luân nói thêm.